Tin Ngành Trong Nước
Đầu tư điện mặt trời: 3 bên hưởng lợi
Người đầu tư điện mặt trời hưởng lợi đầu tiên
Giảm chi phí hóa đơn tiền điện mỗi tháng và có thu nhập thụ động nhờ bán điện dư cho điện lực là lợi ích “kép” mà người đầu tư điện mặt trời nhận được. Vài năm trở lại đây, nhờ chính sách khuyến khích của Nhà nước và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu, giá lắp điện mặt trời đã ngày càng giảm, thủ tục lắp đặt – vận hành cũng trở nên cực kỳ đơn giản. Hơn nữa, với sự hỗ trợ của các công ty thi công lắp đặt, tận tình tư vấn mọi thắc mắc, đưa ra báo giá hệ thống điện mặt trời hòa lưới, điện mặt trời độc lập theo đúng nhu cầu thực tế của mỗi hộ gia đình, người đầu tư hầu như không phải “đau đầu” tính toán về công suất, thiết bị… chỉ cần cân nhắc lựa chọn dựa trên nhu cầu và điều kiện của mình.
Ngoài ra, việc đầu tư điện mặt trời còn mang lại một số lợi ích “cộng thêm” như góp phần làm mát nhà, có thể sử dụng điện ngay cả khi mất điện lưới (với điện mặt trời độc lập hoặc hòa lưới có dự trữ), làm mát cây trồng, vật nuôi giúp tăng năng suất trang trại (với mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp – lắp điện mặt trời trên mái trang trại, nhà kính)… Mang lại nhiều lợi ích thiết thực là lý do khiến điện mặt trời càng ngày càng được nhiều người quyết định lựa chọn để đầu tư.
Ngành điện giảm áp lực thiếu điện
Điện năng lượng mặt trời gia đình và các nhà máy điện mặt trời không chỉ mang lại lợi ích cho chính người đầu tư mà còn giúp ngành điện giảm bớt áp lực thiếu điện. Ngay trong tương lai gần, giai đoạn năm 2021-2025, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu 7-8 tỷ kWh mỗi năm. Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu điện và đang đàm phán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc lên 3,6 tỷ kWh/năm từ năm 2021. Theo tính toán, từ năm 2023, có thể phải tăng nhập khẩu điện lên khoảng 9 tỷ kWh/năm. Ngày càng nhiều người đầu tư điện mặt trời, tạo ra điện đóng góp vào lưới điện quốc gia, gánh nặng thiếu điện càng giảm.
Theo tính toán của các chuyên gia, vào khung giờ buổi sáng, hệ thống điện mặt trời áp mái từ các nhà công cộng có thể có thể cho sản lượng bằng 25-30% lượng điện năng tiêu thụ. Nếu tính thêm cả buổi trưa và thời gian cao điểm nắng, tỷ lệ này có thể lên đến 60-65%. Khi đó, không chỉ các các doanh nghiệp, nhà công cộng giảm được tiền điện phải trả mà hệ thống điện quốc gia cũng giảm được áp lực rất lớn cho bài toán vừa có đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt vừa không tạo gánh nặng về giá thành.
Bên thứ 3 hưởng lợi là người dùng điện cả nước
Hệ quả của thiếu điện là phải cắt điện. Khi điện trở thành một phần quan trọng của cuộc sống, việc cắt điện không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, tác động đến rất nhiều người. Đầu tư điện mặt trời và năng lượng tái tạo sẽ giúp bổ sung sản lượng điện lớn vào nguồn điện quốc gia, từ đó giảm nguy cơ thiếu điện và phải cắt điện.
Ngoài ra, việc phải nhập khẩu điện số lượng lớn, từ nhiều quốc gia khác kéo theo nguy cơ tăng giá điện. Nếu tự chủ được nguồn điện, giảm phụ thuộc vào nguồn điện của các nước khác, không chỉ người dùng điện cả nước tránh được nguy cơ tăng giá điện mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì thế, đầu tư điện mặt trời nói riêng, đầu tư năng lượng tái tạo nói chung được coi là giải pháp bền vững mang lợi ích cho cả cộng đồng.