Tin Ngành Trong Nước
Điện năng lượng mặt trời – một phần quan trọng trong phát triển du lịch xanh
Du lịch xanh “hút” khách du lịch
Du lịch xanh là một hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng khai thác các nguồn tài nguyên một cách hợp lý và hiệu quả, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học trong quá trình phát triển, ít phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa…
Du lịch xanh là xu thế chung đang được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn vì ngày càng nhận được sự quan tâm của các du khách. Theo kết quả của một số khảo sát, phần lớn khách du lịch có nhu cầu về du lịch bền vững và khả năng cao sẽ đặt phòng tại các cơ sở lưu trú xanh (thường có cảnh quan thiên nhiên với các mảng xanh tự nhiên, sử dụng điện năng lượng mặt trời, máy nước nóng năng lượng mặt trời, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường…). Có 52% du khách sẵn sàng chuyển phương thức đi lại thân thiện với môi trường (như đi bộ, đạp xe…) khi có thể; 68% du khách mong muốn chi tiêu du lịch giúp ích cho cộng đồng địa phương và 67% du khách sẵn sàng chi thêm tối thiểu 5% để hạn chế tác động của môi trường. Một số nghiên cứu của châu Âu cũng chỉ ra rằng nhiều khách du lịch có xu hướng chọn khách sạn xanh dù giá dịch vụ “nhỉnh” hơn so với các khách sạn khác cùng hạng.
Du lịch xanh ngày càng phát triển, song hành với nhận thức về bảo vệ môi trường (Ảnh internet)
Các nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có xu hướng chọn cơ sở lưu trú và các dịch vụ, hàng hóa thân thiện với môi trường, có nhãn sinh thái, đặc biệt là du khách từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan. Có nghiên cứu còn đưa ra kết quả 50% khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho đơn vị du lịch mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương cũng như hoạt động bảo tồn.
Chính vì thế, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang chú trọng phát triển du lịch xanh bền vững. Theo chiến lược phát triển du lịch ở nước ta đến năm 2030: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.” (Trích Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030).
Điện năng lượng mặt trời – Những lợi ích trước mắt và lâu dài
Để hướng tới du lịch xanh bền vững, nhiều quốc gia đã có những chính sách và hành động cụ thể, trong đó có phát triển điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế cho nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Chẳng hạn như ở Maldives, đảo quốc tại Ấn Độ Dương này đang nỗ lực thay thế năng lượng điện hóa thạch bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Hầu hết các khu nghỉ dưỡng trên đảo đều trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa. Costa Rica ở Nam Mỹ cũng đang tiến tới mục tiêu là quốc gia đầu tiên có lượng carbon trung hòa vào năm 2020, hiện có gần 93% điện từ nguồn năng lượng tái tạo, 30% lãnh thổ quốc gia được bảo tồn. Họ có các khu nghỉ dưỡng siêu xanh, nơi mà cuộc sống xanh đan xen gần như mọi hoạt động thường ngày của du khách.
Một resort ấn tượng với cảnh quan xanh mát, sử dụng điện sạch cung cấp bởi những tấm pin mặt trời trên mái nhà (Ảnh internet)
Ở Việt Nam, điện năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo cũng được xem là một phần quan trọng giúp phát triển du lịch xanh. Quyết định số 147/QĐ-TTg Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh: “Khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính”.
Việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời mang lại cho các cơ sở dịch vụ lưu trú nhiều lợi ích thiết thực. Đầu tiên, đây là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí điện hiệu quả cho các khách sạn, nhà nghỉ, resort… vì hệ thống sẽ cung cấp điện cho các thiết bị như đèn chiếu sáng, máy nước nóng, máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm ban ngày. Trên thế giới, rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn đã sử dụng toàn bộ hoặc chủ yếu năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Thứ hai, việc các cơ sở lưu trú du lịch đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời sẽ chủ động nguồn điện tại chỗ, giảm áp lực về nguồn cung điện cho địa phương, nhất là ở những khu vực đang phát triển “nóng” về du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng điện chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động và lợi nhuận của các cơ sở dịch vụ, lưu trú. Ngoài ra, việc chung tay phát triển năng lượng sạch còn góp phần tạo dựng hình ảnh thân thiện với môi trường, tăng thiện cảm của khách du lịch quốc tế, nhất là những du khách văn minh và có mức chi tiêu cao, sẽ mang lại giá trị lâu dài cho cả ngành du lịch.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á và đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch (tốc độ tăng trưởng trung bình 18,64%/năm với khách quốc tế và 9,93% với khách nội địa, giai đoạn 2014-2018). Có thể nói sử dụng điện năng lượng mặt trời và từ các nguồn năng lượng tái tạo trong phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho các đầu tư mà sẽ góp phần giúp ngành du lịch nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo đà tăng trưởng ở giai đoạn vừa qua.