Tin Ngành Thế Giới
Từ sự kiện Mỹ phá đập thủy điện lớn nhất trong lịch sử: Ta đang đi ngược dòng
Nhận thấy những hệ lụy về môi trường do thuỷ điện đem lại, mới đây tại bang California (Mỹ) đã tiến hành phá bỏ con đập lớn nhất trong lịch sử. Trong khi đó, ở Việt Nam, “cơn sốt” phát triển thuỷ điện trên các dòng sông lại đang vào hồi nóng. Trong “chuyến đi ngược dòng” này, có lẽ, chúng ta cần nhìn lại mình, để mai này không phải có những cuộc “sửa sai” như bang California vừa làm!
Thuỷ điện “đánh cắp” vẻ đẹp tự nhiên
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về tài nguyên nước, khoảng chục năm trở lại đây, từ khi thuỷ điện phát triển một cách ồ ạt, đặc biệt tại dải đất miền Trung – Tây Nguyên, vẻ đẹp thơ mộng và yên bình cũng như nguồn tài nguyên nước dồi dào từ các dòng sông đang dần bị mất. Thay vào đó là những đoạn sông “chết” hoặc ô nhiễm do các đập thuỷ điện chặn dòng. Thuỷ điện còn làm giảm sút hệ sinh thái thủy sinh, mất những loài cá di cư đẻ trứng vùng thượng nguồn, xói lở ở dòng sông, mất những vùng đập nước. Đó là chưa kể, thủy điện còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng, mất đất sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây nên những bất ổn đối với cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ chứa, thiếu nước về mùa khô tại vùng hạ du các lưu vực sông. Đặc biệt, trong những năm gần đây có khá nhiều đập thủy điện đã bị vỡ, gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân địa phương, mà điển hình là vụ thân đập chính Thủy điện Ia Krel 2, đoạn gần cửa lấy nước (tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) bị vỡ. Dù không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng vài tỷ đồng. Những hệ quả nhãn tiền từ thuỷ điện đang là hồi chuông cảnh báo đối với những vùng, khu vực chuẩn bị xây dựng nhà máy thuỷ điện.
Bởi thế, các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng cũng cảm thấy lo lắng trong việc quyết định có hay không tiếp tục làm thuỷ điện. Phát biểu trong buổi làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã lên tiếng rằng: Thủy điện nên dừng ở đây! Những công trình thuỷ điện lớn phá cả nghìn hécta rừng. Vấn đề môi trường rất là lớn.
Ở Mỹ, các đập thuỷ điện đã trở thành một mối nguy hiểm đến an toàn dân sinh và những mối đe dọa này ngày càng gia tăng. Những con đập lớn như San Clemente đã chặn dòng di cư và phá hủy môi trường sống của các loài cá. Đối với loài cá bẹ ở khu vực bờ Trung California thì “loại bỏ con đập là một trong những hành động tốt nhất cho sự phục hồi của loài này”.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng Mỹ, trong 28 tháng tới, dòng sông Carmen xinh đẹp sẽ được tự do chảy theo dòng tự nhiên 70% chiều dài khi con đập cao 32.3m San Clemente được phá bỏ. Ở vùng hạ lưu đập, các loài cá và ếch đang bị đe dọa sẽ có một cuộc sống mới, một môi trường sống khác bắt đầu được mở ra. Khoảng 1500 hộ gia đình sẽ được hưởng cuộc sống an toàn hơn so với những đe dọa do đập mang lại như lũ lụt và động đất.
Được xây dựng năm 1921 để trữ nước sinh hoạt cho vùng dân số đang phát triển nhanh chóng của Monterey Country, đập Clemente Dam là một cấu trúc vòm bê tông nằm ở vị trí thượng nguồn cách Thái Bình Dương 29.8 km. Khi xây dựng với lý do chính đáng, con đập đã bị mất 95% khả năng tích nước của nó do lượng dự tích tụ phù sa và trầm tích lắng đọng do sông Carmen. Thực tế, sông Carmel sẽ mang trầm tích bồi đắp cho vùng hạ lưu, duy trì dòng chảy đúng chức năng của nó và bồi đắp vào những đồng bằng ven biển. Nhưng con đập hình thành gây lắng đọng trầm tích trong hồ chứa, lấp đầy diện tích hổ chứa – một vấn đề thường gặp của tất cả các con đập trên thế giới. Việc loại bỏ đập cũng sẽ khôi phục lại các chuyển động tự nhiên, lắng đọng trầm tích vùng hạ lưu ra biển, bổ sung cát cho bãi biển Carmel và cải thiện môi trường sống cho loài ếch chân đỏ Californial-loài ếch bản địa lớn nhất Tây Mỹ và hiện nay cũng đang lâm vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng.
Nếu diễn ra đúng kế hoạch, cả hai tính năng sinh thái và kỹ thuật có thể được phục hồi sẽ là một mô hình mẫu cho việc tái hồi sinh các con sông khác ở bang California và cả nước Mỹ. Nhìn từ thực tiễn Việt Nam, một đất nước phát triển sau hàng trăm năm, các nhà quản lý cũng nên nhìn nhận, đánh giá, cân nhắc kỹ để quyết định “số phận” của những dự án thuỷ điện đang dang dở hiện nay.
(Theo tainguyenmoitruong.vn)