Tin Ngành Thế Giới
“Điểm danh” các hệ thống điện mặt trời nổi quy mô lớn trên thế giới
Các hệ thống điện mặt trời nổi đang được nhiều quốc gia đầu tư nhờ ưu điểm tận dụng được các mặt nước như mặt sông, hồ, vùng đất ngập nước, vùng biển gần bờ…
Được xem như giải pháp cho “bài toán” mặt bằng, điện mặt trời nổi ngày càng được đầu tư phát triển tại các quốc gia trên khắp thế giới. Theo thống kê, từ năm 2014 đến năm 2019, sản lượng năng lượng mặt trời nổi toàn cầu đã tăng gấp 100 lần. Cùng với đó, ngày càng nhiều hệ thống điện mặt trời nổi quy mô lớn được xây dựng và đi vào vận hành. Có thể kể đến những dự án như:
Hệ thống điện mặt trời nổi tại An Huy, Trung Quốc – lớn nhất thế giới
Hệ thống điện mặt trời nổi quy mô lớn tại An Huy, Trung Quốc (Ảnh internet)
Trung Quốc là một “siêu cường quốc” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời. Ở phân khúc điện mặt trời nổi, Trung Quốc cũng ghi dấu ấn đậm nét với hệ thống điện mặt trời nổi quy mô lớn nhất thế giới tại tỉnh An Huy với công suất 150 MWp, có thể cung cấp điện phục vụ cho 94.000 hộ dân. Trước hệ thống này, cũng tại An Huy có dự án điện mặt trời nổi công suất 70 MWp với tổng diện tích 140 ha, nằm trên 13 chiếc bè ở hồ nước hình thành từ một mỏ than lớn đã được khai thác cạn kiệt. Số liệu đo đạc từ 200 trạm quan trắc đặt khắp các đô thị lớn của Trung Quốc cho thấy, số lượng hạt mịn trong không khí đã giảm xuống đáng kể 32% tính từ năm 2013. Và tất nhiên, trong đó có sự góp công của các dự án điện mặt trời nổi.
Dự án điện mặt trời nổi Đa Mi, Việt Nam – lớn nhất Đông Nam Á
Nhà máy điện năng lượng mặt trời trên hồ Đa Mi (Ảnh internet)
Dự án đặt trên mặt hồ Thủy điện Đa Mi, Bình Thuận có tổng số vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng với quy mô công suất thiết kế 47,5 MWp, tạo ra sản lượng điện khoảng 70 triệu kWh/năm. Đây là nhà máy điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên ở nước ta và hiện lớn nhất Đông Nam Á. Dự án nằm trên diện tích hơn 50 ha, lắp đặt gần 144.000 tấm pin năng lượng mặt trời. Theo các chuyên gia, hồ Thủy điện Đa Mi còn tiềm năng lắp đặt điện mặt trời rất lớn, tổng công suất lắp đặt có thể lên đến khoảng 300 MWp. Xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi tại đây không chỉ bổ sung vào nguồn năng lượng sạch cho hệ thống điện quốc gia mà còn giúp nâng cao hiệu quả các hồ thủy điện của Nhà máy thủy điện Đa Mi.
Dự án O’mega1, Pháp – Nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất châu Âu
Nhà máy điện mặt trời nổi O’mega1 – niềm tự hào của nước Pháp (Ảnh internet)
Chính thức vận hành vào tháng 10/2019, O’mega1 (tỉnh Vaucluse, Pháp) là nhà máy công nghệ mặt trời nổi lớn nhất châu Âu và là công viên quang điện nổi đầu tiên tại Pháp. Dự án được xây dựng trên diện tích 17 ha, ở một lòng hồ nhân tạo. Hệ thống điện mặt trời nổi này gao gồm 47.000 tấm pin quang điện thế hệ mới, cho công suất lắp đặt 17 MWp, có khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng cho hơn 4.000 hộ gia đình. Bộ trưởng Sinh thái Pháp Elisabeth Borne từng tự hào nhấn mạnh rằng dự án này là một niềm tự hào của nước Pháp.
Tuy nhiên, những kỷ lục hiện tại về quy mô của các hệ thống điện mặt trời nổi chắc chắn sẽ bị xô đổ trong tương lai gần vì hiện có hàng loạt dự án mới quy mô “khủng” đang trong quá trình xây dựng tại nhiều quốc gia. Có thể kể đến dự án nằm trên hồ chứa đập Nam Ngum 1, Lào có tổng công suất lắp đặt 1.200 MWp, diện tích hơn 1.500ha. Giai đoạn đầu của dự án này dự kiến sẽ phát triển 300 MWp trong vòng 3 năm tới, phần còn lại sẽ được phát triển cho đến năm 2026. Tại Ấn Độ cũng đang xây dựng một dải năng lượng mặt trời nổi công suất 1.000 MWp ở bang Madhya Pradesh. Ở Việt Nam, dự kiến sẽ có một số dự án điện mặt trời nổi quy mô lớn hình thành trên các hồ thủy điện, chẳng hạn như các dự án trên hồ thủy điện Trị An, Đồng Nai.
Có thể thấy hệ thống điện mặt trời nổi đang ngày càng thu hút vốn đầu tư và được xem là xu hướng mới của ngành năng lượng tái tạo. Trong tương lai, dự kiến sẽ có thêm nhiều “ông lớn” bước chân vào lĩnh vực này để tiếp tục phát triển nguồn năng lượng sạch bổ sung vào nguồn điện toàn cầu.